Mình đã dành ra 3 ngày cho chuyện viết lách, cốt chỉ để kết thúc bài gần đây nhất. Và thế là, mình nghĩ đến 2 từ “tắc nghẽn” này!
“Tắc nghẽn” ở đây không phải là “tắc chữ”, mà là “tắc ý”. Đầu mình trống rỗng, và mình không biết phải lấp đầy chỗ trống đó như thế nào.
Mình mắc kẹt, ngày này qua ngày khác. Dĩ nhiên mình không hề mong muốn nó bị vướng ở đó – một bài blog chưa có đoạn kết – tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Nhưng biết sao cho được?
Bắt đầu là câu chuyện và cảm xúc cá nhân thì hãy kết thúc bằng chất liệu ấy, đó là điều mình vẫn luôn tự nhủ bản thân trước khi đưa ra quyết định hoàn thành bài viết trên blog cá nhân và chuẩn bị nhấn nút publish.
Nhất là khi những ngày này, mình đã và đang dành thời gian, công sức để xây dựng nội dung chất lượng. Thôi thì, đành tạm cho nó ở yên đó một vài hôm nữa vậy!
Mình quan điểm rằng, việc sáng tạo nội dung trên blog mang ý nghĩa và mục đích rất riêng, khác hẳn trên tạp chí hay mạng xã hội. Sự khác biệt ấy được thể hiện rõ ở chỗ, mình không thể tự tiện bắt đầu, kết thúc hay chèn vào những thứ không có thực trong danh mục cảm xúc của bản thân. Những gì mình sắp thể hiện, nó phải là những điều chân thật.
Khi quá trình đọc và viết đạt đến một mức ngưỡng nhất định, bạn sẽ bị vướng vào một cái thèm khát đó là… thèm khát sự liên kết. Thật khó để mình mở đầu bằng một chi tiết A, và sau đó bỏ quên nó ở đó, rồi đặt dấu chấm hết cho bài bằng một chi tiết B.
Điều đó cũng tương tự như xem một bộ phim! Những cái nút “thắt-mở” trong kịch bản, được thể hiện qua tính cách nhân vật hay từng chi tiết nhỏ nhặt khác, sẽ đem lại trải nghiệm cảm xúc tốt hơn cho khán giả. Và hẳn sẽ càng thú vị hơn nếu như những cái nút mở ấy lại xuất hiện ở những góc khuất không ai ngờ đến.
Với mình, chỉ khi tồn tại chi tiết “thắt-mở” ấy thì một bộ phim mới đủ hấp dẫn, thú vị và ấn tượng. Thế rồi, bằng một cách nào đó, mình đã chuyển sự ham muốn ấy vào trong những câu chữ mà mình viết nên.
Dù là tác phẩm đăng trên tạp chí hay trên chính trang blog thì mình cảm thấy rất hài lòng khi có thể tạo ra những chi tiết “thắt – mở”. Để làm được điều đó quả không phải là một điều dễ dàng, nhất là khi nhiều người vẫn có quan điểm rằng viết lách là công chuyện đòi hỏi trí tưởng tượng hơn là tính logic. Song, để tạo nên những chi tiết “thắt-mở”, người viết đòi hỏi phải có một khả năng tư duy logic nhất định.
Và trong câu chuyện mình vừa kể đến, mình đang mắc kẹt không biết đâu là lối thoát cho bài viết lúc bấy giờ. Thoạt đầu, mình đã có ý định biến nó thành một bài được khai thác với khía cạnh rộng khắp hơn. Nhưng chỉ cần đặt tay xuống bàn phím để tiến hành sửa chữa thì mình lại chẳng thể. Thế thì có khác gì một chiếc áo được chắp vá bằng mớ vải khác màu không chứ?
Hoàn thành một bài viết cũng như chinh phục được một đỉnh núi, một người chị đã từng bảo mình điều đó. Quá trình lên ý tưởng, góp nhặt thông tin, sắp xếp câu chữ (và nội dung), cộng thêm 1001 các công đoạn khác để cho ra một bài viết hoàn chỉnh có thể khiến cho người viết điên đầu muốn Ctrl + A + Delete, đóng màn hình laptop xuống và buông bỏ tất cả để đi tìm kiếm sự tự do.
Thế nhưng, chỉ khi trải qua quá trình gian nan tốn không biết bao nhiêu là nơ-ron thần kinh đó thì hẳn bạn sẽ hiểu được cái cảm giác thăng hoa và sung sướng mà mình đang muốn nhắc đến. Cảm giác ấy không thể diễn tả như ăn một tô bún bò khi đói (nếu bạn thích bún bò giống mình), cũng không thể diễn tả như đạt điểm 10 kiểm tra 1 tiết môn Lý (nếu bạn đã từng là học trò cá biệt môn Lý).
Ấy là cảm giác mà khi đã giải quyết tắc nghẽn, cải thiện lưu thông và hoàn thành bài viết, bạn chỉ muốn hét lên thật lớn cho cả thế giới biết: “Ê, bài này t viết đó!”…