P/s: Bài viết này không phải để review iPhone 5s hay iPhone 7 Plus.
Hôm trước, trong khi con 7 Plus của mình đang được sạc pin, nhân lúc cơn buồn ngủ vẫn chưa ập tới, mình chộp ngay chiếc điện thoại iPhone 5s cũ ngày xưa để… dọc.
Đầu tiên là phần tin nhắn. Có đến hằng hà sa số những tin nhắn mà mình không ngờ nó vẫn có thể tồn tại lâu đến thế trong chiếc điện thoại của mình: tin nhắn quảng cáo từ nhà mạng Orange, tin nhắn ngân hàng BNP thời mình còn đi trao đổi sinh viên ở Bỉ, tin nhắn của anh làm cùng project thuở đại học mà chắc hai năm nay rồi mình chưa gặp lại, tin nhắn ngân hàng mà mình chỉ sử dụng được đúng đợt thực tập ở công ty ngành hàng Mẹ và Bé tại quận 7, tin nhắn anh phụ trách tổ chức sự kiện đầu tiên mà mình từng tham gia trong khoảng thời gian làm biên tập, rồi tin nhắn của chị biên tập viên tiền nhiệm, tin nhắn của thằng bạn đại học chuyên đi cà khịa mình…
Mình đã từng mong muốn đổi một chiếc điện thoại mới trước lúc đi trao đổi. Lúc đó, mình cho rằng chiếc điện thoại cũ mèm với dung lượng hạn chế và thậm chí còn chai pin này sẽ khó có thể nào ghi lại những trải nghiệm tuyệt vời cho chuyến đi châu Âu của mình. Nhưng cuối cùng, mình vẫn sử dụng nó, thậm chí cho đến những tháng đầu tiên mình bắt đầu công việc full-time!
Mình đã từng từ bỏ ý định đi du lịch một mình bên Bỉ vì suy nghĩ phần lớn dành cho… chiếc điện thoại bị chai pin này. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mình không còn đủ pin để sử dụng Google Map? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mình có chuyện gì dọc đường đi mà mình không thể liên lạc được với đám bạn ở Gent? Chừng đó suy nghĩ đã mau chóng kéo chân mình ở lại căn phòng ký túc xá. Nếu bạn thắc mắc… vậy sạc dự phòng để làm gì? Hm, xin thưa, sạc dự phòng của mình cũng bị chai pin nốt.
Ấy thế mà chiếc iPhone này lại tuyệt vời hơn mình nghĩ. Nếu không phải là em ấy, mà là chiếc điện thoại Sony (mình đã làm mất trong rạp phim), hay chiếc điện thoại Nokia (mình đã làm mất trên xe buýt), thì chưa chắc mình đã có được những tấm ảnh châu Âu xinh đẹp như mình đang có. Kết thúc chuyến exchange, mình cũng đã từ bỏ ý nghĩ đổi một chiếc điện thoại mới vì mình khá hài lòng với chiếc iPhone cũ này rồi.
Vậy mà chừng mấy tháng đầu của công việc full-time, mình đã kiên quyết phải đổi điện thoại cho bằng được. Ban đầu là vì chiếc iPhone 5s không thể cài đặt ứng dụng Grab. Tiếp theo là vì, sao nhỉ, còn gì xấu hổ hơn khi cầm chiếc iPhone 5s để livestream hay quay hình lại cảnh người ta đi sàn catwalk!!!
Vậy là mình đã mượn mẹ một khoản tiền để đổi điện thoại. Chiếc điện thoại 7 Plus thoạt đầu khiến mình cảm thấy khá bất tiện vì nó to chắc gấp 1.5 lần so với chiếc 5s cũ. Những ngày đầu, mình đem cả 2 chiếc điện thoại trong túi. Nhưng dần dà theo thời gian, mình để hẳn chiếc 5s ở nhà. Và sau đó thì… để mặc nó đóng bụi…
Thời gian trôi đi, chiếc iPhone 7 Plus càng gắn bó hơn trong suốt con đường mình làm biên tập viên. Mình đã có thể tải ứng dụng Grab để di chuyển những lúc buổi sự kiện hoặc cuộc gặp mặt phỏng vấn. Mình đã có thể thoải mái hơn để cầm chiếc điện thoại của mình lên chụp ảnh, livestream hoặc quay video clip những khi có triển lãm hoặc sự kiện. Và dù rằng mình sử dụng chiếc 7 Plus trong khi thị trường đang sốt chiếc iPhone 12 Pro Max thì mình vẫn luôn cảm thấy hài lòng. Thỉnh thoảng, con bạn thân của mình lại hỏi: “Ê Su, không tính đổi điện thoại hả?”. Đổi làm gì khi mình vẫn cảm thấy nó còn tốt chán.
Khoảnh khắc cầm chiếc iPhone 5s lên, một bầu trời ký ức tràn về mình không ngăn xuể. Chuyển sang mục ghi chú, mình thích thú xem lại những nội dung mình đã lưu lại ở đây. Có những nội dung mình không thể nào nhớ được rằng chúng mang ý nghĩa gì. Song cũng có cả những thứ mà mình đã tìm một thời gian dài mà tìm hoài không thấy (giờ thì mình đã biết mình note nó ở đây). Rồi mình dừng lại khá lâu ở chiếc ghi chú Bucket List.
23/12/2018. Mình soạn những dòng này vào những ngày còn đi thực tập ở một công ty ngành hàng Mẹ và Bé ở quận 7. Mình cũng không nhớ rõ lắm điều gì đã thôi thúc mình soạn ra những ý tưởng này vào thời điểm đó nữa. Lúc đọc được, mình phải ngạc nhiên bởi: “Quào, mình đã từng đặt mục tiêu nhiều đến thế đó sao?”. Một vài gạch đầu dòng trong Bucket List năm đó, mình vẫn còn nhớ như in và cho thêm vào mục tiêu của các năm về sau. Thế nhưng, cũng có một số mình đã quên bẵng đi lúc nào không biết.
Chưa kịp lướt thêm thì chiếc điện thoại chai pin bắt đầu giở chứng tuột pin không kiểm soát, chắc mình chỉ còn tầm 10 phút để dọc máy. Mình mau chóng ghé qua những ứng dụng khác trên điện thoại – hình ảnh, ghi âm, rồi danh bạ… Cứ thế, giữa màn đêm tĩnh mịch có một đốm sáng phát ra từ chiếc đèn điện thoại.
Và đúng thật! 10 phút sau máy tắt.
Dù biết đó là một thói quen xấu, nhưng mình không tài nào buông chiếc điện thoại ra khỏi giường trước lúc ngủ được. Dù là một đêm dễ ngủ, hay là một đêm khó ngủ, thì thói quen mở nhạc jazz trên Spotify hoặc nghe Chi de Papillon/Bảo Bình Tarot vào giữa đêm đã trở thành một thói quen khó bỏ.
Những ngày trước, mình quá bận bịu (và thiếu can đảm) để có thể ngồi lại và nhìn nhận chính mình, để quan sát suy nghĩ và nội tâm của mình, rằng…
- Mình đang cảm thấy như thế nào?
- Mình đang mong mỏi, thật sự mong mỏi điều gì?
- Điều gì khiến cho mình sống một cuộc sống ý nghĩa hơn?
- Điều gì không đáng để mình dành thời gian và sự quan tâm?
- ….
Không còn bất cứ thiết bị điện tử nào trong phòng cho phép mình kết nối với thế giới bên ngoài nữa.
Chỉ còn mình, tiếng kêu của côn trùng và tiếng gió ngoài cửa sổ. Những lúc như thế này thật là… khó, sẽ không còn bất kỳ tác nhân ngoại cảnh nào có thể ngăn cản, hoặc là lý do nào để mình vin vào và trốn tránh. Muốn hay không thì mình phải đối diện và vượt qua sự im ắng đến khó chịu đó. Và dù có muốn hay không, những cảm xúc khó vẫn tồn tại ở đó, ngay đây, trong chính con người mình.
Ngồi lại, nhìn nhận, quan sát, đối diện, chấp nhận, và vượt qua…